Có một mối tương quan mật thiết không thể thiếu trong chưng bày hoa, kiểng, cây, cá… đó là nhu cầu sử dụng các loại chậu, lọ, lộc bình, chậu kiểng kết hợp với đất, phân, sỏi đá và nước phản ảnh nhu cầu tâm linh, mưu cầu phúc lộc.
Chưng bày hoa kiểng, nuôi cá cảnh trong một ngôi nhà không chỉ làm tăng thẩm mỹ, nghệ thuật mà còn liên đới tới sức khỏe, văn hóa nhân sinh và kể cả thiên hướng tâm linh, ngũ hành sinh khắc của chủ nhà. Một mối tương quan mật thiết không thể thiếu trong chưng bày hoa, kiểng, cây, cá đó là nhu cầu sử dụng các loại chậu, lọ, lộc bình, chậu kiểng kết hợp với đất, phân bột xơ dừa và nước để thiết kế một chậu, lọ, lộc bình hoa kiểng hoặc cá cảnh.
Trong cách bố cục phong thủy, các nhà xây dựng cũng rất quan tâm sử dụng các loại vật dụng trên. Khi thiết kế trang trí nội thất cho từng phòng không chỉ để nhà đẹp, đáng ngắm mà còn thích ứng với tâm linh tính ngưỡng, hòa hợp tương sinh với ngũ hành mạng của gia chủ, của người sử dụng phòng ốc.
Chất liệu
Có thể nói các nhà thiết kế sử dụng đủ vật dụng để chưng bày hoa kiểng, cây cảnh, nuôi cá cảnh. Chúng là chậu đất nung tráng men sứ, chậu xi măng giả đất nung, lọ gốm sứ, lọ sành tráng men, lọ thủy tinh… Ngoài ra còn có các loại lọ, chậu, lộc bình chất liệu tôn mạ kẽm, hợp chất kim loại chủng hình đa dạng từ vuông, chữ nhật đến tròn, quả trám. Một số nhà chế tác cách điệu thành các mẫu hình động vật, mỹ nhân, mỹ nhân ngư với những dây khoen tròn, xích sắt để kiến tạo thành các vườn treo ngoài vườn, các cội cành, gốc cây cảnh đại thụ như. Gần đây một số nhà thiết kế nội thất còn áp dụng cả loại chậu đá cẩm thạch đen hình ống, đá xanh thiên nhiên và đá hộc đa màu để bảo quản độ ẩm cho cây cảnh, hoa kiểng. Cuối cùng là loại chậu gỗ, mây, tre, lồ ô đan, nhựa nhân tạo… cũng rất được một số chủ nhà ưa thích vì vừa nhẹ vừa dễ di chuyễn duy có điều không giữ hoa tươi lâu do không thể tích nước (nên chỉ hợp với hoa giả) các loại chậu này thường vẽ sơn hoặc dán decal như loại chậu, lọ, bình tôn kẽm hoặc tôn mạ kẽm.
Quy luật ngũ hành
Nói chung cây cảnh, hoa kiểng đều thuộc Mộc, họ thực vật, âm khí thịnh. Trong khi các lọ, chậu, bình, lộc bình đều thuộc tính từ đất, đá, cát (Thổ) nên rất cần có nước (Thủy) giúp cây, tồn sinh, phát triển. Thế nên khi thiết kế các lọ, chậu, lộc bình chưng hoa, dù ở ngoài sân hay nội thất, các nhà xây dựng phải am tường cách phối hợp ngũ hành thích ứng tương sinh với chức năng của từng phòng, từng vị trí tầng trệt, lầu, sân thượng.
Phòng huyền quan
Cũng tương tự bình phong án che nội thất ngôi nhà, phòng huyền quan vừa là tiền sảnh vừa là điểm ngăn che và phong tỏa uế, xú khí nhập gia. Ngoài màu tường, ánh sáng đèn điện phản chiếu, nhà thiết kế nếu không xây một “bồn” trồng hoa hình vuông, chữ nhật ngay sát chân tường thì có thể đặt một chậu sành sứ tráng men trắng ngà, vàng kim. Trong chậu trồng các loại cây kiểng lá to, dài, lá cành sum suê màu xanh đậm, lâu tàn úa. Không chưng loại cây hoa có gai như xương rồng, kim quýt. Trong chậu không bỏ cát, đất mà nên bỏ tro trấu hoặc xác xơ dừa, bột xơ dừa. Màu trắng ngà, vàng kim sẽ tạo cảm giác không gian sáng sủa, tươi mát.
Phòng khách
Là trung tâm điểm tiếp giáp các phòng trong toàn ngôi nhà. Nếu phòng khách nhìn về Đông thì nên dùng chậu đá hoặc chậu sứ màu sen đỏ, hồng, thắm, đỏ đậm. Các loại cây, kiểng, hoa cảnh đều nên chọn loại có lá cành sum suê, nhiều dây leo và hoa lâu tàn. Nếu phòng nhìn về hướng Nam nên chọn loại chậu, bình, hoặc lộc bình màu trắng pha xanh nước biển, xanh da trời. Nếu phòng trông ra hướng Tây, các chậu nên sơn màu xanh lục, hoặc tráng men, xanh nước biển, xanh dương. Nếu nhìn về hướng Bắc dùng chậu, bình men đỏ thắm, hồng phấn, sen hồng, vàng cam.
Riêng ở mặt bàn kiếng của bộ sa lông nên đặt lọ hoa hình quả trám, bầu tròn thủy tinh tím than, vàng nghệ, xanh lơ; thả nuôi vài con cá lia thia, cá bảy màu.
Phòng ngủ
Chỉ cần đặt một lọ sứ, sành, hình vuông, quả trám hoặc bầu tròn. Không nên trang trí các loại hoa ngọc lan, hồng đỏ, thược dược, lay ơn do hoa tươi, âm khí vượng về đêm sẽ tỏa khí độc CO2, ngưởi ngủ hít thở dễ hại sức khỏe, nguy hiểm sinh mạng.
Phòng đọc sách, làm việc
Thuộc khu vực yên tĩnh, nên trên bàn viết chỉ bày một chậu hoa nhỏ, có nước, đặt ở cánh phải không che tầm nhìn. Chậu hoa, lọ sành sứ men, gốm hoặc thủy tinh màu trắng kim, xanh lơ, tím than, hồng phấn được khuyên dùng để cảnh trí thoáng đãng, giúp ổn định tâm trạng, thư thái tinh thần.
Phòng ăn
Liền kề bếp nên đặt lọ hoa màu mạ non, đọt chuối hoặc xanh đen hình tròn, quả trám hoặc loại chậu men. Nên chưng hoa hồng, sen trắng hoặc cúc vàng giúp mát mắt, tăng hứng khởi cho người ăn. Chậu, lọ, bình chứa ít nước, màu phản quang sáng để đối kháng với lửa theo cách Thủy khắc Hỏa nhằm ngừa hỏa hoạn. Ngoài ra khi bếp và phòng ăn riêng biệt, thì nên dùng chậu màu vàng cam, quít vàng, hồng nhạt chưng hoa cúc vàng, hồng vì lửa bếp là hỏa sẽ sinh thổ đem lại an toàn cho bếp và người ăn cũng khoái khẩu, vui khỏe.
Phòng vệ sinh
Khí ẩm thấp, nước thường lưu chuyển, nên đặt chậu hoa để tạo sinh khí tẩu uế khí. Sử dụng chậu màu đất, trồng hoa lá màu xanh. Không trồng hoa đỏ, không đặt chậu hoa trước phòng vệ sinh vốn tích thán khí và lan tỏa uế khí thải ra. Cũng không nên đặt bất kỳ chậu hoa lớn nhỏ nào, kỵ nhất là chậu thủy tinh trên đầu bồn tắm.
Sân thượng
Về cách bố cục phong thủy nên sắp xếp một số chậu tròn, cao 40-70cm, màu xanh, đất nung. Cũng có thể đặt chậu, lọ tròn tôn kẽm theo cách Kim sinh tài lộc.